0968.050.245

Zalo

Các bệnh ở chó kiểng và cách điều trị
Ngày đăng: 14-04-2022 10:36:15 | Lượt xem: 63

Chó có rất nhiều bệnh, nhiều nhất là các bệnh ngoài da, kế đó là bệnh tiêu hóa. Chó cũng bị các bệnh về hô hấp và vi rút nữa. Khổ nỗi những bệnh xem ra không có gì quan trọng như ve, bọ chét chẳng hạn, nhưng nếu không chữa trị kịp thời thì chó cũng phải mạng vong. Đó là chưa nói đến những bệnh hiểm nghèo khác, như bệnh Carré, bệnh dại, là những bệnh nguy hiểm nếu chó bị mắc phải.

Nuôi chó kiểng ta phải chăm sóc chó được kỹ càng, từ thức ăn bổ dưỡng, cho đến cách vệ sinh chuồng trại cẩn thận, thì ta đã ngừa cho chó được nhiều thứ bệnh hiểm nghèo.

Nếu ăn uống thì có gì cho nấy, chuồng trại thì mặc ra sao thì ra, chắc chắn đó là mầm bệnh của nhiều thứ bệnh hiểm nghèo, không chóng thì chầy cũng đến với chó.

BỆNH CHỐC LỞ

Chó kiểng thường quí nhất ở bộ lông, bộ da, nếu để lông còi cọc hoặc rụng từng mảng, da thì ghẻ lở sần sùi thì chó không những xấu xí mà còn ghê tởm đối với mọi người. Ai nuôi chó kiểng cũng mong muốn có con chó thật đẹp và khỏe mạnh, lông mượt mà, da liền lặn, khi nhìn là muốn vuốt ve, muốn ẵm muốn bồng.

Bệnh chốc lở do chó bị thương khi cắn lộn, hoặc là da bị xây xát, trầy trụa vì cọ quẹt vào gai góc trong bờ bụi, hàng rào khiến vết thương tuy nhỏ nhưng để lâu ngày bị nhiễm trùng làm độc.

Nếu vết thương nặng thì phải rửa bằng nước muối, hay thuốc tím để sát trùng, sau đó rắc thuốc bột Péniciline lên vết thương. Cần phải săn sóc vết chốc lở đó nhiều lần thì mới chóng khỏi. Khi chó đã bị bệnh chốc lở thì rụng lông từng mảng rất xấu xí, làm mất giá trị của con chó quí. Vì vậy, những lần tắm chó, ta nên quan sát lại toàn thân của nó, nếu thấy có gì nghi ngờ là săn sóc ngay.

BỆNH GHẺ

Có nhiều nguyên nhân khiến chó bị bệnh ghẻ, một là do ở dơ lâu ngày không tắm chải, hai là do ký sinh trùng ngoài da tác hại vào như bọ chét, ve chó, chấy rận, ruồi muỗi.

Bệnh ghẻ do con ghẻ Sarcoptes Scabiei canis gây ra, chúng đục sâu vào da chó để đẻ trứng gây cho chó sự ngứa ngáy khó chịu. Mỗi lần con ghẻ nầy khoét da, nhiều nhất là ban đêm, mỗi lần con chó bị ngứa ngáy, phải đưa chân lên đầu, lên tai gãi lia lịa.

Nếu không điều trị kịp thời thì bệnh sẽ lan dần đến vùng đầu, vùng nách, bụng và chân chó, sau đó sẽ ăn lan ra cả thân mình. Chó vì bị hút máu, vừa ngứa ngáy nên ăn ngủ không yên, lâu dần sẽ kiệt sức mà chết.

Ta nèn trị bệnh nầy ngay từ khi phát giác được căn bệnh, đừng để dây dưa mà nguy hại về sau. Khi tắm chó, phải chà xát thật mạnh vào những chỗ da chó sần sùi, những nơi lông bị rụng trốc, rồi bôi bột lưu huỳnh lên nhiều lần chó sẽ hết bệnh. Có thể dùng thuốc DEP xức vào chỗ nghi ngờ có ghẻ. Năng tắm chó thường xuyên.

BỆNH CHÀM

Bệnh chàm của chó tức là bệnh ECZEMA, cũng là bệnh ngoài da, rất thường gặp ở chó kiểng thiếu được chủ chăm sóc. Đây là bệnh rất nguy hiểm, tác hại của bệnh có thể làm chết chó nếu ta lơ là trong việc chữa trị

Nguyên nhân gây ra bệnh chưa rõ, nhưng bệnh được thể hiện dưới hai dạng: chàm khô và chàm ướt.

Chàm khô thì làm cho da sần sùi, đóng vảy dày cộm lên.

Chàm ướt thì nổi nhiều mụn nước, sau thành mủ.

Nếu không được chửa trị kịp thời thì vết chàm sẽ lan rộng ra khắp mình chó, và lúc đó thì hết sức khó trị. Mới nhìn qua, ta có thể lầm là bệnh lác.

Nếu dùng lưu huỳnh mà tắm thường xuyên có thể đẩy lùi được bệnh nầy. Hoặc dùng oxyt kẽm, loại thuốc mỡ bôi vào những chỗ bị chàm tấn công, sau khi chà xát cho tróc lớp vảy dày đóng trên da chó. Bệnh nặng thì phải trị lâu ngày. Tốt hơn là nhờ bác sĩ thú y chữa trị cho.

BỆNH MÒ DEMODEX

Bệnh nầy do ký sinh trùng Demodex canis sống bám trong các tuyến nhờn của da chó, tạo nên một hình thức ghẻ, cũng giống như lác làm cho da chó dày cộm lên, sần sùi như nổi vảy. Nơi bị mò nầy tác hại, lông chó bị rụng từng mảng, rồi ửng đỏ, gây nên sự ngứa ngáy khó chịu. Bệnh nầy muốn trừ tuyệt không dễ, nếu để quá lâu. Nếu bệnh mới phát, thì có thể cho chó uống hay chích trụ sinh như Ampiciline hoặc Streptomycine.

Nếu là chó kiểng mà ngồi đâu gãi đó, lông rụng da lở, mình mẩy sần sùi thì thật không còn gì khó coi bằng. Ta nên năng tắm rửa và chải gỡ bộ lông chó thường xuyên hơn.

VE CHÓ

Ve chó là ký sinh trùng sống bám trên da chó để hút máu mà sống. Một con chó kiểng có ve bò lổm ngổm, đương nhiên là con chó đó không được hưởng sự chăm sóc chu đáo của chủ.

Trên mình chó luôn luôn có hai thứ ve, đó là ve đực và ve cái. Ve đực thì nhỏ, không phát triển, trong khi ve cái càng hút no máu thì bụng càng phình ra như một hột đậu. Người ta gọi nó là ve đậu phộng. Thường thì ve cái và ve đực thường sống cặp với nhau trên mình chó, hai con như dính liền với nhau vậy. Thực ra, chúng nó đang làm tình trong khi ve cái đang say sưa hút máu. Sau đó ve đẻ trứng trên thân chó hoặc nó tự rơi mình xuống đất đế đẻ trứng, mỗi lứa như vậy có đến mấy ngàn trứng.

Trứng nở thành ấu trùng, ấu trùng biến thái thành nhộng, và nhộng lột xác thành ve.

Biết được chu kỳ sinh sản của ve, nên ta có hai cách để tiêu diệt chúng: Một là diệt ve trên mình chó bằng cách tắm chó và bắt ve chó thường xuyên, hai là quét dọn sạch sẽ chuồng trại những nơi chó thường lui tới, trong nhà ở hay chuồng trại, rồi xịt thuốc sát trùng DDT, pha với liều lượng 10 phần trăm hoặc dung dịch Xút ba phần trăm, như vậy ve sẽ bị diệt tận gốc.

Trị ve chó bằng thuốc DDT để tắm cũng đem lại kết quả tốt.

Người ta còn có cách trừ ve và bọ chét chó trong một thời gian dài chừng 4 đến 5 tháng, bằng cách mang vào cổ chó một sợi dây ZODIAC. Chó mang dây nầy vào cổ thì ve và bọ chét sẽ tự động biến mất.

BỌ CHÉT

Cùng với ve chó, bọ chét chó cũng chui rúc trong lớp lông dày để hút máu, làm cho chó bị mất máu và ngứa ngáy thường xuyên. Nếu không trừ tuyệt thì bọ chét có thể bám vào chó hàng ngàn con “như rắc mè” khiến chó ốm o gầy mòn một thời gian rồi chết. Được biết, có hai loại bọ chét chó: loại màu đen và loại màu nâu. Cả hai loại nầy sống chui rúc khắp nơi trên mình chó để hút máu và phá hoại bộ da khiến chó ngứa ngáy ngồi đâu gãi đó trông rất tội nghiệp.

Được biết, bọ chét không sanh đẻ trên mình chó mà lại sanh đẻ trong những đống rác, trong những kẽ vách, kẽ chuồng, nơi có lẫn lộn nhiều lông chó ở trong chuồng trại của chó, nơi chó ngủ. Con trưởng thành lại tìm bám vào mình chó để hút máu mà sống.

Vì vậy trừ tuyệt ve chó ta nên tiến hành hai việc trong một lúc: tắm chó với thuốc DEP, hoặc mang dây Zodiac, đồng thời dùng thuốc sát trùng DDT hoặc Dipterex xịt khắp chuồng trại của chó, như vậy mới mong trừ tuyệt được.

BỆNH CARRÉ

Bệnh Carré tấn công vào chó con và chó trưởng thành, chó trên hai năm tuổi không còn mắc bệnh nầy.

Chó bị bệnh Carré thì thường có những triệu chứng sau đây:

  • Lừ đừ mệt mỏi, nhiệt độ tăng.
  • Phân lỏng.
  • Ói mửa.
  • Ho nhiều.

Đó là bệnh nhẹ. Còn bệnh nặng thì động kinh, chân tê xuội, hàm cứng.        . .

Hiện đã có thuốc ngừa. Để  tránh căn bệnh nguy hiểm này cho chó, ta nên đến bác sĩ thú y chích cho chó 2 mũi để ngừa bệnh.

BỆNH DẠI

Bệnh dại của chó do vi rút gây ra, vi rút nầy có trong nước miếng của con thú bị dại, và truyền qua người hay các loài thú khác qua những vết thương hoặc vết trầy trụa ngoài da.

Con chó đang bị dại cắn con chó lành hoặc cắn vào người khỏe mạnh thì con chó lành và người khỏe mạnh đó sẽ bị bệnh dại.

Khi mắc phải bệnh dại, con vật trở nên hung dữ như kẻ điên, sợ ánh sáng sợ nước, nhưng lại thích cắn xé, ăn ngấu nghiến tất cả những gì mà nó vớ được. Chó dại chỉ nuốt chứ không nhai vì hàm chó bị tê liệt. Nó phát cuồng lên thích chạy rông và miệng tru lên dễ sợ.

Bệnh dại thường phát ra trong mùa viêm nhiệt. Muốn ngừa bệnh nầy cho chó, ta nên chích vaccin ngừa bệnh dại cho chó. Thuốc nầy tuy không hiệu nghiệm được 100 phần trăm, nhưng dù sao ta cũng được yên lòng trong một năm, là thời gian thuốc có hiệu lực.

BỆNH CÒI XƯƠNG

Bệnh còi xương là do thiếu sinh tố D và chất vôi nên xương cốt không phát triển được, mà còn có thể biến dạng: cột sống vẹo, chân cong… Ta cần phải bồi dưỡng tối đa cho chó bằng thức ăn có nhiều sinh tố bổ dưỡng và nhiều khoáng chất, như thịt, sữa, trứng… Cần cho chó sống những nơi thoáng khí, có ánh nắng mặt trời. Bệnh còi xương phải chữa trị về lâu dài. Một con chó kiểng bị còi xương thì không thể có dáng hình đẹp được.

BỆNH CÒI LÔNG

Chó kiểng đẹp nhờ bộ lông, nếu lông bị còi xơ xác thì con chó dù giống quí hiếm cũng mất đi phần nào giá trị. Bệnh còi lông của chó do cơ thể ốm yếu vì ăn uống thiếu chất bổ dưỡng cần thiết, thường không phải do tật bệnh gì. Bệnh này không liên quan gì đến chứng rụng lông trong giai đoạn chó cái động dục, và trong thời kỳ dứt sữa chó con.

BỆNH ÓI MỬA

Lúc trái gió trở trời chó thường bị bệnh ói mửa. Khi ói thì chó nôn hết thức ăn ra ngoài, nhưng có khi nó lại ăn ngay trở lại. Bệnh nầy có thể là do ăn phải thức ăn thiu thối, hoặc do tác nhân gây nhiễm trùng nào khác mới khiến chó bị bệnh. Thường thì bệnh nầy sau đó tự hết. Nhưng cũng có trường hợp chó ói mửa liên tục nhiều lần trong ngày, khiến chó mệt đừ, bỏ ăn, nằm lì một chỗ ở nơi yên tĩnh. Đây có thể là triệu chứng chó bị đau đường ruột, đau bao tử. Nhưng nếu ói mà có lẫn phân thì có thể nó bị tắc ruột. Còn ói mửa mà có máu bầm hoặc đỏ lợt nên hiểu là chó bị loét bao tử. Nên đem chó đến bác sĩ thú y định bệnh rõ ràng mới có thể chữa trị dứt bệnh được.

BỆNH VIÊM DẠ DÀY

Chó là loài ăn tạp lại háu ăn. Khi ăn nó cứ sợ chó khác đến giành giựt nên cứ táp đại thức ăn và nuốt trọng không nhai, vì vậy, bệnh dạ dày là bệnh phổ biến nhất của chó.

Nếu thấy chó gầy còm, ói mửa, lúc nào cũng ủ rũ, tiêu hóa thất thường khi thì táo bón khi thì tiêu chảy, tức là triệu chứng của bệnh đau dạ dày.

Ta có thể dùng các loại thuốc trụ sinh sau đây để trị: sulfaguanidine hoặc Streptomycine.

Được biết, bệnh viêm dạ dày cũng có thể do kí sinh trùng đường ruột là giun sán gây ra Nếu đúng như vậy thì phải cho dứt bệnh dạ dày trước, sau đó mới trị giun sán.

Trong trường hợp chó bị bệnh tiêu chảy thì có thể cho uống ganidan.

VIÊM PHẾ QUẢN

Chó bị viêm phế quản thì thở mệt nhọc, lúc nào cũng bần thần dã dượi, thỉnh thoảng lại ho khúc khắc. Càng ngày chó càng lừ đừ hơn, hốc hác hơn.

Bệnh nầy phải điều trị bằng thuốc trụ sinh như Ampicilline, hoặc Tétracycline. Phải cho chó nằm ở nơi khuất gió và ấm áp. Ngoài ra, ta còn phải cho chó ăn những thức ăn bổ dưỡng để chó mau lại sức.

BỆNH GIUN SÁN

Giun sán là ký sinh trùng đường ruột của chó. Chó mà bị giun sán thì gầy còm, mặc dầu được nuôi dưỡng trong điều kiện tốt nhất cũng vậy. Do đó, không ai lại muốn con chó cưng của mình bị bệnh giun sán cả. Người ta đã ngừa bệnh nầy cho chúng từ lúc chúng chưa có mặt ở trên đời nầy, dù mới là cái bào thai. Nghĩa là trước khi chó mẹ “đi tơ”, người ta đã xổ hết giun sán trong mình chó mẹ, để khi sinh con, chúng không phải bị bệnh này.

Thế nhưng, thường thì những chó con mới vài tháng tuổi cũng đã phải mang trong mình những vật kí sinh nguy hiểm nầy. Do đó, chó con vài ba tháng tuổi, người ta lại phải xổ hết giun sán. Và sau đó, trễ lắm là một năm một lần, người ta lại xổ giun cho chó.

Giun của chó thường có hai loại: giun đũa và giun kim. Cả hai loại giun nầy sống kí sinh trong ruột chó, tỉa hết chất bổ trong ruột chó, khiến chó bị gầy còm vì thiếu dinh dưỡng.

Hiện nay đã có nhiều loại thuốc hữu hiệu để đặc trị bệnh nầy, ta nên cho chó uống đúng liều lượng là được.

– GIUN ĐŨA:

Giun đũa của chó có lớp da dày, dài khoảng hai tấc. Giun sống trong ruột chó, đẻ trứng trong đó rồi trứng theo phân ra ngoài. Trứng nầy sẽ vào ruột chó khác bằng cách theo thức ăn vào miệng rồi lại nở ra thành giun con. Nếu số lượng trong ruột quá nhiều thì chó sẽ bị giun ăn hết chất bổ nên gầy còm. Nhiều khi giun còn làm tắc ruột, nghẽn ống mật, chui vào phổi và làm chó chết.

Phòng ngừa giun cho chó, bằng cách đừng thả chó chạy rông ngoài đường để nó ăn bậy, đồng thời quan sát phân chó xem nó tiêu ra loại giun nào, rồi tùy đó mà mua thuốc thích hợp để chữa trị.

Hiện nay có rất nhiều thuốc trừ giun rất công hiệu, như thuốc Pipérazine, hay Vinacor. Với Vinacor thì một viên dùng cho 10 chó.

– GIUN MÓC:

Cũng như giun đũa, giun móc có thể đã có trong chó con sơ sinh do mẹ chúng truyền sang. Khi ở trong ruột chó giun móc đẻ trứng, trứng theo phân chó ra ngoài. Vài tuần sau thì trứng nở ra giun móc con rồi lại theo đường tiêu hóa để lại trở vào ruột chó.

Giun móc chỉ dài hơn một phân tây, nhưng đầu có ngàm còn gọi là răng, nhờ đó mà nó bấu chặt vào ruột chó để hút máu. Giun móc có thể làm cho cơ thể của chó suy yếu dần, đi tiêu có máu. Người nuôi chó thường cố tránh trường hợp con chó cưng của mình đi tiêu ra máu, vì biết đó là bệnh khó trị, có thể giết chết con vật.

Khi biết chó đã bị bệnh giun móc ta nên đem chó đến bác sĩ thú y nhờ chữa trị cho. Đồng thời xịt thuốc sát trùng khắp chuồng trại.

SÁN DÂY

Sán dây là vật ký sinh sống trong ruột chó, dài khoảng 30 phân, mình có nhiều đốt, còn đầu có nhiều móc hình lưỡi câu, cắn chặt vào ruột chó để hút máu.

Chó có sán dây thì biếng ăn, nhiều khi ngồi bệt xuống đất cạ đít cho đã ngứa. Những con chó có hiện tượng nầy thì phân nó thường có những đốt sán dây lẫn lộn vào. Trong những đốt sán đó đều có trứng của nó. Trứng nầy nếu cho chó ăn phải vào thì lại nở thành sán con hoành hành trong ruột. Trứng nầy cũng có thể tự nó chui qua hậu môn của chó (làm cho chó ngứa ngáy khó chịu) gặp bọ chét đẻ trứng vào đốt sán. Bọ chét cắn chó để hút máu, chó bị đau nên nhằn bọ chét, và vô tình để cho sán dây chui vào miệng. Sự biến hóa của sán dây cứ lẩn quẩn như vậy, nên chó đã mắc sán dây là cứ ốm yếu dần.

Vậy muốn ngừa cho chó khỏi bị sán dây thì có ba cách:

  • Đừng thả rong để chó khòi ăn bậy.
  • Tận diệt bọ chét trên mình chó, vì đó là vật trung gian giúp sán dây phát triển.
  • Thịt cá cho chó ăn phải nấu chín.
  • Nên dẫn chó đến bác sĩ thú y nhờ chữa cho dứt bệnh.

BỆNH Ở CHÓ ĐỰC

Chó đực kiểng phải được chọn từ những con không những chỉ rặc giống, mà còn phải có thân hình cao to đúng tiêu chuẩn của con giống. Chó đực bao giờ cũng được chăm sóc chu đáo, không để bị bệnh tật, như vậy mới phủ giống có kết quả tốt được.

Bộ phận sinh dục của chó đực phải hoàn chỉnh, con nào có tật bẩm sinh phải loại ra ngay, không nên để giống.

Ở bộ phận sinh dục của chó đực, do dơ bẩn trong khi truyền giống nên thường bị viêm bao qui đầu. Chó bị bệnh nầy thì ở qui đầu tiết ra chất mủ màu vàng ửng xanh. Nếu không quan sát cũng khó biết được vì bên ngoài sức khỏe chó vẫn bình thường, cũng không biếng ăn. Nếu để vài ngày không tắm thì lớp lông ở gần bao qui đầu do dính mủ nên dính khô lại thành mảng gây mùi hôi khó chịu.

Ta nên dùng nước muối hay thuốc tím rửa sạch bao qui đầu cho chó, sau đó cho chó uống thuốc kháng sinh như Sulfamide, Ampicilline, cho đến khi khỏi bệnh.

BỆNH CHÓ CÁI

Chó cái, nhất là chó cái đã ngoài tuổi sanh đẻ thường vướng phải nhiều bệnh về bộ phận sinh dục. Những bệnh thường thấy như viêm tử cung, sa âm đạo, viêm vú…

Viêm tử cung: Bệnh nầy rất thường gặp, và do một trong nhiều nguyên nhân sau đây gây ra:

  • Do viêm âm đạo.
  • Do động đực.
  • Do nhiễm trùng.
  • Do sẩy thai.
  • Do đẻ sót nhau.

Chó bị bệnh nầy thường sốt cao, biếng ăn, lừ đừ, âm hộ chảy mủ có mùi hôi tanh.

Cần phải điều trị gấp bằng cách rửa tử cung với thuốc tím pha loãng, sau đó cho uống và chích kháng sinh Auréomycine, Sulfamide… Nếu bệnh nặng phải nhờ sự chứa trị của bác sĩ thú y.

Sa âm đạo: Bệnh nầy thường thấy ở chó cái lớn tuổi, đã đẻ nhiều lứa, hoặc ở chó cái già từ 8 tuổi trở lên không còn sinh đẻ nữa.

Phải rửa tay sạch bằng thuốc sát trùng như oxy già, thuốc tím rồi dùng tay nhè nhẹ đưa bộ phận lòi ra vào đúng vị trí của nó, sau khi cho chó đứng ở chiều nghiêng dốc, đầu chúi xuống. Việc nầy đòi hỏi sự nhẹ nhàng êm ái, và kiên nhẫn. Xong việc cứ để yên như vậy một lúc, nếu thấy ổn thì được, còn không thì phải nhờ thú y sĩ chữa trị cho.

Viêm vú: Thường thì chó vừa mới sinh con, sữa căng nhiều khiến vú cương cứng lên và ửng đỏ, gây cho chó mẹ sự đau nhức và sốt cao. Phải lấy khăn mềm chườm nước nóng lên vú nhiều giờ, đồng thời can thiệp bằng thuốc trụ sinh. Nếu chữa trị chậm trễ, chó mẹ có thể hư vú hoặc tắt sữa.

BỆNH NGỘ ĐỘC

Chó bị ngộ độc do ăn phải thức ăn thiu thối, hoặc do ăn phải thuốc chuột.

Nếu bệnh nặng, ta thấy có những triệu chứng sau đây:

  • Chó bị co giật, chân bại.
  • Miệng chảy nước dãi.
  • Muốn ói mửa.
  • Phân lỏng đôi khi có máu.
  • Cơ thể suy nhược trầm trọng.

Phải tìm mọi cách cho chó ói ra bằng hết tất cả thức ăn có trong dạ dày của nó, rồi chở ngay đến bác sĩ thú y nhờ chữa trị, càng sớm càng tốt. Thuốc chuột là loại thuốc cực độc, trong đó có các chất Sulfure kẽm và thủy ngân, nên chỉ có người chuyên môn mới có thể cứu sống được con vật thoát được lưỡi hái của tử thần.

BỆNH RẮN CẮN

Bản năng của loài chó là thích săn lùng, vì vậy khi được thả ra là chúng cứ xồng xộc chui vào bụi vào bờ để tìm thú lạ mà săn bắt. Đó là chó kiểng nhà. Còn chó săn thì kỏi phải nói, đó là công việc gần như hằng ngày của chúng, phải lùng sục vào những nơi hiểm hóc để săn mồi. Chó gặp rắn cũng tấn công luôn, do đó, việc chó bị rắn độc cắn nhằm cũng không phải là chuyện hiếm thấy. Khi bị rắn độc cắn, chó bị những triệu chứng sau đây:

  • Thở khó khăn.
  • Tim đập mạnh.
  • Chân rủ liệt.
  • Tiêu chảy, nôn mửa.

Phải buộc ga rô bên trên vết thương, nếu được. Sau đó, rạch rộng vết thương ra rồi nặn hết máu hoặc nung một thanh sắt cháy đỏ dí vào vết thương để trừ nọc. Cùng lúc phải mời thú y sĩ đến gấp để tìm cách cứu sống con chó.

CHÓ SĂN vì phải lùng sục trong rừng nên ngoài việc bị rắn độc cắn còn bị ong đốt, thú dữ cắn, nhím bắn lông vào… nên đau đớn, quằn quại, có khi mê sảng. Tùy theo vết thương mà ta có cách chữa trị, như lấy nọc ra, như nặn hết máu bầm, như rửa vết thương băng thuốc sát trùng, như băng bó và cho uống thuốc giảm đau. Nhưng, mọi việc phải thực hiện nhẹ nhàng êm ái. Nếu vết thương khá nặng ta phải tìm cách chở chó đến một bác sĩ thú y gần nhất để nhờ chữa trị. Những bệnh mà chó thường mắc phải không nhiều lắm, mà hầu hết những bệnh nầy lại do tác nhân là ký sinh trùng ở da và trong ruột gây ra, như ve, bọ chét, chấy rận, giun sán… Vậy, nếu ta siêng năng hơn nữa trong việc chăm sóc cho chó kiểng bằng cách thường xuyên tắm chải, cho ăn uống bổ dưỡng, vệ sinh chuồng trại tốt, thì chó ta nuôi sẽ tránh được nhiều bệnh hiểm nghèo.

Chó Phốc sóc (Pomeranian): Nguồn gốc, đặc điểm, giá bán
Thời gian đăng : 13-04-2022 08:25:54 | Lượt xem: 92
Chó Pomeranian là loài cún dễ thương được nhiều người ưa thích trong thời gian gần đây. Nếu bạn đang muốn sở hữu một em cún Pomeranian (phốc sóc) thì hãy cùng với Pets Lover theo dõi những thông tin thú vị về giống chó này dưới đây nhé!
Cẩm nang chó Shiba: Nguồn gốc, đặc điểm, cách nuôi, giá bán
Thời gian đăng : 13-04-2022 08:39:36 | Lượt xem: 77
Chó Shiba là giống có kích thước nhỏ như một con mèo, thân hình thon gọn và có những biểu cảm cực kì đáng yêu. Đây là giống chó rất được yêu thích và được lựa chọn là thú cưng nuôi tại nhiều gia đình. Vì vậy, hôm nay hãy cùng Pets Lover tìm hiểu về giống chó Shiba này nhé!
CHÍNH SÁCH BẢO HÀNH CHO KHÁCH HÀNG MUA THÚ CƯNG TẠI PETS LOVER
Thời gian đăng : 13-04-2022 09:01:31 | Lượt xem: 96
CHÍNH SÁCH BẢO HÀNH TẠI PETS LOVER
Tổng Hợp Đầy Đủ Những Thông Tin Thú Vị Về Giống Chó Husky
Thời gian đăng : 09-04-2022 09:39:38 | Lượt xem: 120
Husky Siberian (hay Husky Sibir) là giống chó tuyết kéo xe được ưa chuộng tại các vùng đất lạnh giá khắc nghiệt. Husky giờ đây là những người bạn thân thiết với tất cả mọi người. Theo thống kê mới đây, Husky thuộc Top vật nuôi được mọi người yêu thích nhất trên Thế Giới. Nếu muốn biết giống chó tuyết này có những đặc điểm ngoại hình, tính cách như thế nào, hãy đón đọc tại bài viết của Pets Love. Chúng tôi sẽ cung cấp tới bạn đọc những thông tin thú vị nhất về giống cảnh khuyển Husky tại bài viết dưới đây.
Nuôi mèo cảnh: cần lưu ý điều gì?
Thời gian đăng : 06-04-2022 08:43:53 | Lượt xem: 72
Nuôi mèo cảnh đang là xu hướng được nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, làm thế nào để chăm sóc mèo cảnh đúng cách thì không phải ai cũng biết. Nhằm giúp các độc giả có thêm nhiều kiến thức bổ ích,PETSLOVER xin chia sẻ một số kinh nghiệm về cảnh nuôi mèo cảnh ở giai đoạn sơ sinh đến 3 tháng tuổi. Đừng vội bỏ qua bài viết dưới đây nhé.